Quyển phả họ Khúc Từ Lâm đầu tiên do cụ Chân Long đời
26 Từ Lâm khởi thảo ra đời khoảng đầu Thế kỷ 17 sớm thất tích. Quyển phả họ Khúc
Từ lâm thứ hai ra đời vào khoảng từ năm 1727 đến 1761 cách đây đã 230 năm. Đó là
quyển phả viết bằng chữ Hán do cụ Cống sinh Khúc Mại, tự là Rương, hiệu là An Mệnh,
cháu đời thứ 29 họ Khúc ở Từ lâm khởi thảo. Quyển phả này cụ viết sau khi cụ đậu
Cống sinh. Cụ chép từ đời cụ thân sinh ra cụ và ngược lên trước 6 đời nữa (tức
là được 7 đời từ đời 22 đến đời 28 theo số đời ghi trong phả này). Đối chiếu với
công lịch niên đại ở phả họ Khúc Hồng Châu nói chung thì đó là các đời từ đời
28 đến đời 34 ở Hồng châu thuộc đời từ đời 78 đến 84 Khúc Ốc.
Quyển phả này vì lâu ngày chẳng may đã bị rách nát.
Nhận thấy phải sao chép lại và bổ sung thêm. Cháu đời
31 là cháu nội ngành thứ của cụ Khúc Mại là Khúc công huý Điều, hiệu Thuần Cẩn
(sinh 1820-1891) sao chép lại phần phả của ông nội đã ghi chép thêm hai đời tiếp
là đời 29 và 30 dòng họ Khúc Từ Lâm.
Cháu đời 32 ở Từ Lâm, con út của cụ Khúc Điều là Khúc
Hữu Vi ghi chép tiếp vào Phả đời 31 của dòng họ. Tiếp theo, cháu đời 33 họ Khúc
Từ lâm, con trai trưởng cụ Khúc Hữu Vi thừa kế quyển phả của ông nội và thân phụ,
dịch phả chữ Hán ra Quốc ngữ, sắp xếp lại thứ đời cho gọn gàng hơn, viết thành
cuốn phả họ Khúc bằng chữ Quốc ngữ và ghi tiếp đời 32 vào phả họ. Ông đã ghi
quyển phả quốc ngữ này thành 2 quyển, một quyển để ở nhà thờ Trưởng họ Khúc
Danh Thuỳ và một quyển để ở nhà thờ họ Khúc ở An Bài. Hai quyển phả này nay đều
còn do Khúc Văn Bài và Khúc Danh Huyền bảo quản. Các quyển phả nói trên và các
người viết các phả ấy đều đứng trên một quan điểm nhất quán là: “Phả để sao chép
công đức, thế thứ, chi ngành, các huý kỵ phần mộ, giỗ chạp của tổ tiên. Các con
cháu phải ghi nhớ các công trình của tổ tiên xây dựng để nghìn muôn năm hương
khói phụng thờ (trích lời tựa phả họ Khúc).
Ngày nay, học và nghiên cứu phả do tiền nhân để lại,
chúng ta đều ghi nhớ công ơn to lớn của các bậc ông cha và khẳng định mọi tính ưu
việt của các cuốn phả truyền thống. Các cuốn Phả truyền thống không những giúp
con cháu ngày nay hiểu được những nét lớn về lịch sử cha ông và còn là những tư
liệu quý giúp con cháu khi đọc vào đấy, soi vào đấy, tự thấy phải nghĩ gì, làm
gì để giữ gìn và phát huy những nét truyền thống tốt đẹp, những nền nếp gia
phong mà cha ông, tiên tổ đã dày công vun đắp và xây dựng.
Song, một mặt khác, chúng ta đều thấy, vì dựa trên
quan điểm viết phả truyền thống và bị thời điểm lịch sử và tư liệu lịch sử hạn
chế nên các phả cũ đều có chung một số hạn chế: Phả viết tương đối đủ về chi trưởng,
ngành trưởng nhưng lại viết rất sơ sài về con thứ, ngành thứ; Phả viết rất kỹ về
tên huý, tên hiệu, phần mộ, ngày giỗ của tổ tiên nhưng lại không đối chiếu với
niên đại, triều đại để ghi năm sinh, năm mất của tiền nhân nên con cháu ngày
nay khó hình dung được không gian, thời gian các đời sinh sống; Phả cho “Nữ nhi
là ngoại tộc” nên rất xem nhẹ “nữ”, thậm chí đến tên của họ cũng không ghi, không
chép: Phả chỉ ghi kỹ một số người có công lao địa vị xã hội nổi bật song chưa
chú ý đúng mức đến những người thường, nhất là những người chẳng may bị đói khổ,
rơi vào cảnh thất học lầm than.
Cách dùng từ chỉ số đời lại lấy đời người viết làm mốc
(đời mình là một thì đời cha là hai đời) (hiển khảo, hiển tỷ), đời ông nội là Hiển
tổ, tổ 4 đời là Tằng tổ, tổ 5 đời là Cao tổ rồi cứ thế mà gấp lên Cao tằng, Cao
cao Tằng tằng,… thì đời ngày nay thật rất khó hiểu.
Do nhận thức được ưu, nhược điểm của phả cũ, người
viết cuốn phả này cố gắng khắc phục những nhược điểm của phả cũ, phát huy cao hơn
những ưu điểm của phả truyền thống, mạnh dạn đưa ra một phương pháp viết phả mới
trong việc ghi Phả họ. Việc đánh số đời sẽ đánh số từ cao nhất trở xuống theo thứ
tự 1, 2, 3,… cố gắng có sự phối hợp hợp lí hệ thống dọc (thời gian) với hệ thống
ngang (không gian) và dùng một số kí hiệu để ghi chi, phái, ngành, nhánh. Hy vọng
cách làm mới này sẽ giúp cho thế hệ ngày nay đọc phả và ghi tiếp phả được dễ dàng
hơn.
Ý định tốt đẹp là như thế, song vì tư liệu nắm trong
tay có hạn, năng lực hiểu biết về lịch sử, về dòng họ còn có hạn nên chắc chắn
không tránh khỏi những thiếu sót và có thể có cả sai lầm nữa. Rất mong được các
bậc cha anh, các thế hệ con cháu thông cảm và bổ khuyết cho những gì mà người
viết phả lần này chưa làm được như ý.
Công việc làm phả, nhất là làm phả họ là công việc rất
khó khăn và rất phức tạp và là một công việc rất thiêng liêng đòi hỏi cả tính
khách quan trung thực cả tính khoa học. Người viết phả này rất mong được sự chỉ
giáo của người đọc.
An Bài, mùa thu 1990
(Trích từ Gia phả họ Khúc - Từ Lâm, Đồng Minh, Vĩnh Bảo)